xem chi tiet tin tuc - Sở Tài chính

 

Hệ thống chuẩn mực kế toán công: Góp phần thống nhất, đồng bộ các nguyên tắc, kỹ thuật kế toán khu vực công

Ngày 30-09-2021

“Việc ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công sẽ giúp các nguyên tắc, kỹ thuật kế toán được thống nhất, đồng bộ, đảm bảo thông tin của các đơn vị chính xác, phù hợp và tin cậy hơn.”. Đây là một trong số những nội dung trao đổi của Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán Vũ Đức Chính với Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính về chuẩn mực kế toán công.

Ông Vũ Đức Chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính)

? Thưa ông, xin ông cho biết việc ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay?

Ông Vũ Đức Chính: Trong những năm gần đây, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam diễn ra rất mạnh mẽ. Việc gia nhập các tổ chức kinh tế thế giới và thực hiện cam kết với các tổ chức tài chính quốc tế khác đòi hỏi Việt Nam phải cung cấp thông tin tài chính có tính chuẩn mực, có khả năng so sánh và được quốc tế thừa nhận. Trong đó cần quan tâm đến tính đầy đủ, minh bạch của thông tin kế toán, nhất là trong lĩnh vực công.

Hiện nay, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc ban hành các quy định trong lĩnh vực kế toán công theo hướng hòa nhập với các thông lệ quốc tế, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách nhất định với thông lệ quốc tế về việc ghi nhận và trình bày các thông tin tài chính nhà nước.

Mặt khác, đòi hỏi về nhu cầu báo cáo tài chính của đất nước một cách đầy đủ, chính xác và minh bạch theo thông lệ quốc tế là điều mà rất nhiều đối tượng trong xã hội quan tâm, do đó vai trò của kế toán công được thể hiện ở việc thực hiện chức năng cung cấp thông tin và kiểm tra của nó đối với hoạt động kinh tế - tài chính của Nhà nước. Vai trò này ngày càng thể hiện rõ nét hơn đối với các đối tượng sử dụng thông tin kế toán công, đặc biệt từ phía công chúng.

Kho bạc Nhà nước triển khai thực hiện đề án Tổng kế toán nhà nước nhằm xây dựng hệ thống báo cáo tài chính nhà nước của Chính phủ và chính quyền địa phương, đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo đó cần đặt ra yêu cầu phải xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn Việt Nam, làm căn cứ xác định đối tượng, phạm vi, quy trình, và nội dung thông tin báo cáo tài chính nhà nước.

Cách đây gần 20 năm, Việt Nam đã tiến hành xây dựng và công bố hệ thống chuẩn mực kế toán doanh nghiệp, hiện nay đang có kế hoạch triển khai áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS). Tuy nhiên trong lĩnh vực kế toán công, cho đến nay mới chỉ xây dựng và ban hành các chế độ kế toán hướng dẫn công tác kế toán tại các đơn vị kế toán thuộc lĩnh vực này. Các quy định được đặt ra trong các chế độ kế toán này phần lớn là các quy định hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể, chưa có những quy định mang tính nguyên tắc, thống nhất một cách đầy đủ, đồng bộ theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Do vậy, chúng tôi cho rằng, việc công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam để áp dụng thống nhất, đồng bộ là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

? Trên thực tế, các đơn vị kế toán hoạt động trong lĩnh vực công hiện nay đang áp dụng các chế độ kế toán phù hợp với đặc điểm tổ chức và hoạt động của mình. Việc ban hành hệ thống chuẩn mực sẽ đem lại lợi ích khác biệt gì cho khu vực công, thưa ông?

Ông Vũ Đức Chính: Đúng là thực tế hiện nay, các đơn vị kế toán hoạt động trong lĩnh vực công đang áp dụn gchế độ kế toán phù hợp với đặc điểm tổ chức và hoạt động của mình.

Việc ban hành hệ thống chuẩn mực kế toán công sẽ giúp cho các nguyên tắc, kỹ thuật kế toán được thống nhất, đồng bộ, đảm bảo thông tin của các đơn vị chính xác, phù hợp và tin cậy hơn. Xu hướng mở rộng các hoạt động của các đơn vị sự nghiệp dẫn đến cần phải áp dụng các kỹ thuật kế toán phù hợp yêu cầu quản lý và hoạt động tự chủ. Các Thông tư hướng dẫn kế toán cho các đơn vị hiện nay, mặc dù đã tiếp cận thông lệ quốc tế, nhưng theo đánh giá vẫn còn khác biệt khá lớn ở một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, do chưa công bố hệ thống chuẩn mực công, nên đã ảnh hưởng đến việc xếp hạng của Việt Nam trong đánh giá của một số tổ chức nước ngoài. Vì vậy việc công bố và thực hiện hệ thống chuẩn mực công mang lại nhiều lợi ích cho các hoạt động hội nhập quốc tế, cũng như việc nâng cao lòng tin của các nhà đầu tư, các tổ chức tài chính kinh tế trong và ngoài nước.

Như vậy, có thể nói, việc xây dựng và ban hành các chuẩn mực kế toán công được đặt ra như là một nhu cầu tất yếu khách quan xuất phát từ các lý do cụ thể sau:

Thứ nhất, xuất phát từ nhu cầu quản lý thống nhất về tài chính Nhà nước, tổng hợp thông tin một cách đồng bộ, cung cấp các thông tin chính xác, đầy đủ minh bạch phục vụ cho việc điều hành quản lý tài chính công của Nhà nước, phục vụ cho việc lập báo cáo tài chính nhà nước theo thông lệ quốc tế.

Thứ hai, xuất phát từ yêu cầu hội nhập quốc tế của Việt Nam, làm cơ sở để Việt Nam được tăng hạng, được đánh giá tín nhiệm cao hơn trong các quan hệ kinh tế với các tổ chức quốc tế.

Thứ ba, xuất phát từ tình hình thực tế về việc hoàn thiện các quy định có tính chất pháp lý, để điều chỉnh, kiểm tra giám sát hoạt động kế toán trong lĩnh vực kế toán Nhà nước tại Việt Nam trong thời gian qua.

Thứ tư, xuất phát từ yêu cầu của công tác kế toán tại các đơn vị, hoạt động kiểm toán và việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán, nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong giai đoạn tới.

Nội dung của chuẩn mực công không chỉ là vấn đề kế toán, mà bao hàm nhiều vấn đề về cơ chế tài chính. Vì vậy việc công bố chuẩn mực công của Việt Nam sẽ là căn cứ, khuôn mẫu tham chiếu cho việc nghiên cứu các cơ chế tài chính công liên quan. Ví dụ, Nghị định 60/2021/NĐ-CP về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã quy định về cơ chế trích lập dự phòng. Đây là nội dung được quy định rất rõ trong chuẩn mực công, về nguyên tắc, thời hạn, cách thức xử lý,.. Theo đó đối với các nội dung khác, việc vận dụng các thông lệ tốt trong chuẩn mực công sẽ giúp cho cơ chế tài chính công được đồng bộ, khoa học trên cơ sở kinh nghiệm, thông lệ tốt của quốc tế.

? Thưa ông, được biết, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa phê duyệt Quyết định ban hành 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1, trong đó có giao Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán căn cứ các chuẩn mực kế toán công đã ban hành, nghiên cứu trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng hoạt động theo lộ trình phù hợp. Nội dung này đã được triển khai như thế nào thưa ông?

Ông Vũ Đức Chính: Chuẩn mực kế toán công là mực thước, khuôn mẫu để ban hành các chế độ kế toán liên quan cho các đơn vị công. Việc ban hành hệ thống chuẩn mực sẽ giúp cho các nguyên tắc, kỹ thuật kế toán được thống nhất, đồng bộ, đảm bảo thông tin của các đơn vị chính xác, phù hợp và tin cậy hơn. Việc áp dụng các quy định theo thông lệ chung làm căn cứ hướng dẫn kế toán dồn tích một cách phù hợp đối với đối tượng là kế toán công, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế, thu hút nguồn lực bên ngoài, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị kế toán công.

Theo Quyết định 1676/QĐ-BTC ngày 01/9/2021 của Bộ Tài chính về công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1, có 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam (đợt 1) được công bố, gồm:

Chuẩn mực số 01: Trình bày báo cáo tài chính

Chuẩn mực số 02: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Chuẩn mực số 12: Hàng tồn kho

Chuẩn mực số 17: Bất động sản, nhà xưởng, thiết bị

Chuẩn mực số 31: Tài sản vô hình

Đây là các chuẩn mực được đánh giá là cần thiết, liên quan đến các kỹ thuật kế toán mà các đơn vị đang thực hiện. Như đã nói ở trên, sẽ làm căn cứ để ban hành các chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công, phù hợp với quy định hiện hành về cơ chế tài chính công.

Cũng tại Quyết định này, chúng tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các lĩnh vực hoạt động theo lộ trình phù hợp. Trên thực tế, việc bổ sung, sửa đổi chế độ kế toán là thực tế khách quan, nhằm phù hợp với cơ chế tài chính công, trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện những cải cách quan trọng. Hiện nay, cùng với việc xây dựng chuẩn mực công, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán đang tiến hành tổng kết, đánh giá việc thực hiện Thông tư 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 hướng dẫn chế độ kế toánh hành chính, sự nghiệp, để từ đó định hướng các nội dung bổ sung, sửa đổi phù hợp với cơ chế tài chính và chuẩn mực kế toán công.

Xin trân trọng cảm ơn ông!  

HP (t/hiện)

Phòng Tài chính đầu tư (st)


Đang online: 3
Hôm nay: 1165
Đã truy cập: 1787413