xem chi tiet tin tuc - Sở Tài chính

 

Tình hình giá cả thị trường tháng 01 và tổng hợp tình hình trước Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

Ngày 30-03-2021

BÁO CÁO

Tình hình giá cả thị trường tháng 01 và tổng hợp tình hình

trước Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang

 
 

 

  I. Tổng quan tình hình giá cả thị trường tháng 01 năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang:

  Chỉ số giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 01 năm 2021 so với tháng trước bằng 100,23%, so với cùng kỳ năm trước bằng 100,26% và so với kỳ gốc 2019 bằng 103,00%. Cụ thể chỉ số giá của các nhóm hàng chính trong tháng như sau:

NHÓM HÀNG

Chỉ số giá so với (%)

Kỳ gốc 2019

Cùng kỳ năm trước

Tháng trước

Bình quân cùng kỳ

CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG

103,00

100,26

100,23

100,26

I. Hàng ăn và dịch vụ ăn uống

110,57

103,57

100,39

103,57

1. Lương thực

113,05

113,94

101,04

113,94

2. Thực phẩm

111,92

100,87

100,26

100,87

3. Ăn uống ngoài gia đình

104,60

104,09

100,26

104,09

II. Đồ uống và thuốc lá                              

100,73

100,28

100,00

100,28

III. May mặc, mũ nón, giày dép

102,50

100,65

100,00

100,65

IV. Nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD

97,38

95,40

99,51

95,40

V. Thiết bị và đồ dùng gia đình

101,28

101,63

100,08

101,63

VI. Thuốc và Dịch vụ y tế

102,30

100,00

100,00

100,00

VII. Giao thông                 

95,39

90,41

102,18

90,41

VIII. Bưu chính viễn thông

100,55

99,30

100,00

99,30

IX. Giáo dục

105,35

103,89

100,01

103,89

X. Văn hóa, giải trí và du lịch

100,56

100,17

100,00

100,17

XI. Hàng hóa và dịch vụ khác

104,77

101,29

100,24

101,29

Chỉ số giá vàng                  

144,21

134,48

102,56

134,48

Chỉ số giá đôla Mỹ

99,53

101,95

99,76

101,95

II.Tổng quan về tình hình giá cả thị trường những ngày giáp Tết:

Thời gian càng nhích dần đến ngày cuối năm nhưng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt đời sống của người dân về hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, địa phương cũng đã xây dựng phương án dự trữ nhằm ứng phó với diễn biến mới của dịch bênh Covid-19 nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân đã luôn được bảo đảm rất tốt, thị trường được bình ổn kể cả trong những giai đoạn dịch bệnh bùng phát và thực hiện cách ly xã hội.

Từ sự chủ động đó, đến thời điểm hiện tại các cửa hàng và hệ thống siêu thị cân đối đảm bảo nguồn cung đầy đủ cho người tiêu dùng, giá cả được bình ổn, giá cả chưa có sự biến động nhiều, sức mua không tăng nhiều so với năm trước. Nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến phức tạp đã phần nào ảnh hưởng đến sức mua của người dân vào dịp cuối năm.

III. Diễn biến cụ thể:      

1. Lương thực, thực phẩm:

a) Lương thực:

  Bình quân chỉ số giá mặt hàng này trong tháng tăng nhẹ so với tháng trước. Cụ thể: Gạo tẻ thường tăng 1,16%; gạo tẻ ngon tăng 1,82%. Nguyên nhân do lượng hàng hóa trong dân không nhiều và do nhu cầu sử dụng nguyên liệu chế biến cho dịp Tết sắp đến nên giá tăng. Ngoài ra, do nhu cầu xuất khẩu gạo tăng từ các doanh nghiệp trong nước nên cũng làm cho giá bán lẻ tăng.

Giá lúa vụ Đông Xuân hiện nay tại huyện thương lái thu mua giá lúa OM 0577, OM 9582 ở mức 7.000 đồng/kg; IR 504 ở mức 6.900 đồng/kg; Đài thơm 8 7.300 đồng/kg; OM 5451 6.900 đồng/kg; OM 6976 có giá 7.000 đồng/kg; lúa Jasmine 7.000 đồng/kg; OM 9577 giá 6.900 đồng/kg; OM 9582 có giá 6.900 đồng/kg.

b) Thực phẩm:   

Bình quân chỉ số giá nhóm hàng này trong tháng 01 năm 2021 tăng so với tháng trước. Cụ thể: Thủy sản chế biến tăng 0,05%, gia cầm tăng 3,03%, thịt lợn tăng 6,34%. Nguyên nhân do thiếu nguồn cung tạm thời, lượng hàng giảm, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn tăng do thương lái có nhu cầu thu mua nhiều hơn trước để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán sắp đến nên giá tăng.

Diễn biến cụ thể trong tháng 01/2021: Heo hơi tại Hậu Giang hiện có giá dao động từ 70.000 - 75.000đ/kg (tăng 5.000đ/kg). Tuy nhiên giá một số loại thịt vẫn ổn định như giá thịt heo thăn có giá bình quân từ 130.000 - 135.000 đồng/kg; thịt heo ba rọi 120.000 - 130.000đ/kg; vịt xiêm làm sẵn có giá 80.000 - 85.000đồng/kg, gà thả vườn có giá 80.000 - 95.000 đồng/kg.

Trứng vịt, và trứng gà ổn định so với tháng trước, hiện trứng vịt có giá dao động từ 15.000 - 30.000đ/chục 10 quả, gà ta có giá 25.000 - 35.000đ/chục 10 quả.

Mặt hàng thủy, hải sản trong tháng tương đối ổn định, cụ thể: cá thu loại 1 có giá 105.000đồng/kg; cá ngừ nguyên con giá từ 45.000 - 50.000đ/kg; cá basa có giá 30.900đồng/kg; cá điêu hồng giá 50.000đồng/kg; cá lóc đồng có giá từ 100.000 - 120.000đồng/kg loại I.

Giá cả các loại mặt hàng rau củ trong tháng giảm so với tháng trước, cụ thể: bí xanh dao động từ 8.000  - 10.000/kg (giảm 2.000đ/kg), dưa leo có giá 10.000 - 12.000đ/kg (giảm 4.000đ/kg), cà chua từ 10.000 - 12.000/kg (giảm 6.000đ/kg), cải xanh có giá 6.000 - 8.000 đồng/kg (giảm 5.000đ/kg), bắp cải trắng 10.000 - 12.000đ/kg (giảm 4.000đ/kg), khổ qua có giá 10.000đ/kg (giảm 5.000đ/kg), chanh không hạt giá dao động từ 10.000 - 15.000đ/kg (ổn định).

Trong các loại cây ăn trái, bưởi da xanh là một trong những loại trái cây giảm giá sâu nhất. Hiện giá bưởi da xanh loại một (trái to nhất, đẹp nhất) ở mức giá dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg; loại 2-3 giá còn 10.000 - 20.000 đồng/kg, giảm trên 50% so cùng kỳ năm ngoái, thậm chí nhiều vườn bưởi không có thương lái đến thu mua.

Thời điểm này, nhiều nhà vườn tại Hậu Giang đang tất bật xử lý vườn cây ăn trái để bán Tết Nguyên đán Tân Sửu như bưởi hồ lô, xoài thư pháp… Xoài thư pháp có bộ Tứ Tấn Tài (4 trái), bộ Tam Tấn Lộc (3 trái) và bộ Tài Lộc (2 trái). Dự kiến, trái xoài thư pháp ra thị trường dịp tế với giá xoài chữ đỏ 250.000 đồng/trái (giá sỉ) và 450.000 đồng/trái (giá lẻ). Xoài thư pháp chữ vàng mình xanh và chữ xanh mình vàng có giá 270.000 đồng/trái.

Giá củ kiệu vườn giống củ nhỏ, màu xanh giá dao động chỉ ở mức 10.000-15.000 đồng/kg thì mấy ngày gần đây giá củ kiệu, củ hành tăng lên từ 23.000-25.000 đồng/kg, kiệu qua sơ chế cắt bỏ rễ, lá có giá 80.000-100.000 đồng/kg.

Giá các loại đường tinh luyện tương đối ổn định, cụ thể: đường RE Biên Hòa 18.700đ/kg, đường tinh luyện Biên Hòa 22.400đ/kg, đường kính trắng RS Coop Happy 500g có giá 8.500đ/gói, bột ngọt Ajinomoto loại 454g giá 59.806đ/kg; nước mắm ngon hiệu Quốc Hải 42 độ đạm có giá 68.500đ/chai 700ml; dầu ăn Neptune chai nhựa 1 lít có giá 43.160đ/chai.

Giá bán lẻ một số sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi có giá như sau: Dialac Alpha Step 1 HT 900g có giá 212.000đ/hộp, Frisolac Gold 1 400g có giá 239.000 đồng/hộp, Optimum Step 1 HT 400g giá 192.000đ/hộp, Abbott Grow 1 HT 400g có giá 164.000đ/hộp, Anfamilk A+1 3600 Bran Plus có giá 275.000 đ/hộp 400g.

- Tại một cơ sở kinh doanh hoa Tết đã chuẩn bị nhiều loại hoa phong phú về chủng loại và màu sắc nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân, giá cả các loại hoa, kiểng tết năm nay có mức giá tương đối so với năm trước thậm chí một số loại còn giữ nguyên mức giá cũ. Tuy nhiên, thị trường hoa, kiểng khó đoán trước về giá cả, bởi còn phụ thuộc vào sức hút của các loại hoa, kiểng trong những ngày cao điểm cận tết, cụ thể: mai vàng có giá dao động từ 300.000 2.000.000 đ/chậu tùy loại, giá tắc kiểng trồng trong chậu cao 1m có giá từ 200.000 – 500.000đ/cây, hoa mai kiểng có giá từ 200.000 – 3.000.000đ/chậu tùy loại, Bonsai tạo dáng có giá 250.000 – 300.000đ/chậu, hoa cúc từ 60.000- 65.000đ/chậu, cúc vàng loại I có giá 70.000 đ/cặp, vạn thọ có giá 60.000 đ/cặp loại I. 

c. Các loại bánh, mứt, thức uống:

Các loại bánh, mứt phục vụ ngày Tết: Mứt gừng Huế Xuân Hồng loại 150g có giá 30.000đ/hộp, mứt cà chua bi Xuân Hồng 250g có giá 61.600đ/hộp, mứt mãng cầu Xuân Hồng 200g 60.600đ/hộp, mứt dừa non Xuân Hồng loại 150g có giá 38.800đ/hộp, mứt me Xuân Hồng 200g 59.800đ/hộp; Bánh quy Cosy kẹp kem hộp 600g có giá 157.700đ/hộp, bánh quy Cosy xanh hộp 546g có giá 154.200đ/hộp, hạt sen Canfresh 460g có giá 79.000đ/hộp…

Trà lài Thái Nguyên gói 100g có giá 18.900đ/gói, lạp xưởng tôm Coop Select hộp 500g có giá 39.000đ/hộp, lạp xưởng tiêu Select hộp 500g có giá 97.500đ/hộp, dưa kiệu loại 500g có giá…

Những ngày giáp tết giá bia, nước ngọt cũng tăng so với ngày thường. Theo đó, giá bia tăng từ 10.000-20.000đ/thùng, các loại nước ngọt, nước giải khát tăng từ 5.000 - 10.000đ/thùng.

Trong khi đó, giá bán tại các siêu thị lại có xu hướng rẻ hơn từ 10.000-20.000 đồng so với đại lý nhờ vào các chương trình khuyến mãi, hoặc bình ổn giá. Mức giảm sẽ tùy vào thời điểm và từng thương hiệu khác nhau. Cụ thể:

+ Nước giải khát: cụ thể: Pepsi lon cao 24x330ml giá 190.000 đồng/thùng; Coca lon cao24x330ml  có giá 170.000 đồng/thùng; 7up lon cao 24x330ml có giá 190.000 đồng/thùng…

+ Giá một số loại bia: Bia Heineken 24lonx330ml  giá 420.000 đồng/thùng; Bia Larue Special th24x330ml có giá 230.000đồng/thùng;  Bia SG Lager 24lonx330ml giá là 240.000đồng/thùng; Bia TIGER 24lonx330ml có giá 330.000 đồng/thùng…

2. Vật tư, vật liệu xây dựng:

- Xăng dầu: Trong tháng 01/2021 giá xăng dầu có 2 lần điều chỉnh như sau:

+ Lần 1: Vào lúc 16 giờ ngày 11/01/2021 giá xăng dầu được điều chỉnh tăng giá như sau: xăng A95 tăng 650đ/lít, xăng E5 tăng 630đ/lít, dầu diezel tăng 460đ/lít, dầu hỏa tăng 639đ/lít.

+ Lần 2: Lúc 15 giờ ngày 26/01/2021 giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng giá như sau: xăng A95 tăng 340đ/lít, xăng E5 tăng 360đ/lít, dầu diezel 0,05S tăng 395đ/lít, dầu hỏa tăng 350đ/lít.

Như vậy đến thời điểm hiện tại giá xăng dầu được niêm yết như sau: xăng A95 có giá 17.270đ/lít, xăng E5 16.300đ/lít, dầu diezel 0,05S có giá 13.040đ/lít, dầu hỏa 11.900đ/lít.

Giá Gas: Trong ngày đầu tháng 01/2021 giá gas tiếp tục được điều chỉnh tăng 27.500/bình 12kg, cụ thể: gas Petrolimex: 370.500 đ/bình 12kg; gas LPG Hậu Giang: 377.000 đ/bình 12 kg.

Giá phân bón dao động so với tháng trước, cụ thể: DAP xanh (Hồng Hà) có giá 12.300 đồng/kg; URE Trung Quốc 8.500đ/kg; DAP Mỹ giá 11.000 đồng/kg; NPK Bình Điền 13.300đ/kg (tăng 300đ/kg).

Giá vật liệu xây dựng tương đối ổn định, cụ thể: giá bán lẻ Xi măng PCB40 Tây Đô đa dụng có giá 85.000 đồng/bao/50kg; Sắt 6 Tây Đô thép cuộn có giá 18.700đ/kg; sắt 8 Tây Đô 19.000đ/kg; sắt 10 Tây Đô 110.000đ/cây 11.7m, sắt 12 Tây Đô 156.000đ/cây 11.7m; sắt 14 Tây Đô 213.000đ/cây 11.7m; sắt 16 Tây Đô 276.000đ/cây 11.7m; sắt 18 Tây Đô 353.000đ/cây 11.7m.

3. Dịch vụ giao thông công cộng:

Giá dịch vụ giao thông công cộng ổn định, cụ thể: tuyến Vị Thanh - Cần Thơ giá vé 40.000đ/hk; Vị Thanh - TP. Hồ Chí Minh giá vé 100.000đ/hk; Vị Thanh - Vũng Tàu: 145.000đ/hk; Xe Phương Trang chất lượng cao tuyến Vị Thanh - TP Hồ Chí Minh có giá 155.000đ/hk.

Nhằm phục phục hành khách trong dịp Tết Nguyên đán, giá vé dịch vụ giao thông công cộng sẽ được phụ thu tăng không quá 40% giá vé hiện hành để bù vào chiều xe chạy rỗng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Thời gian phụ thu được áp dụng như sau:

+ Từ ngày 07/02/2021 đến hết ngày 11/02/2021 (nhằm ngày 26 đến hết ngày 30 tháng Chạp năm Canh Tý) đối với lượt về;

+Từ 12/02/2021 đến hết ngày 21/02/2021 (nhằm ngày mùng 01 Tết đến mùng 10 âm lịch năm Tân Sửu) đối với lượt đi.

4. Giá vàng và đô la Mỹ:

Do ảnh hưởng của giá vàng thế giới và do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên giá vàng trong nước cũng biến động bình quân giảm 100.000đ/chỉ so với tháng trước và tăng khoảng 1.116.000đ/chỉ so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, giá vàng bình quân tại Hậu Giang vàng (99,9%) mua vào từ 5.415.000đ/chỉ, bán ra 5.465.000đ/chỉ.

Tỷ giá Dollar Mỹ trong tháng biến động giảm 110đ/USD so với tháng trước, so với cùng kỳ năm 2020 giảm 139đ/USD. Cụ thể tỷ giá Dollar có giá như sau: mua vào là 22.900đ/USD, bán ra ở mức 23.110 đ/USD.

Tỷ giá hạch toán giữa đồng Việt Nam với đô la Mỹ (USD) tháng 01/2021 được Bộ Tài chính công bố 1 USD = 23.147đồng/USD (giảm 34đ/USD) so với tháng trước.

 IV. Công tác quản lý giá trước Tết

1. Công tác quản lý giá:

Thực hiện Chỉ thị số 44/CT-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ Về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Tân Sửu vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm; Chỉ thị số 06/CT-BTC ngày 21/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính Về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021; Chỉ thị số 1465/CT-UBND ngày 25/12/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Hậu Giang Về việc tăng cường các biện pháp đón Xuân Tân Sửu năm 2021 và kỷ niệm 91 năm Ngày thành Đảng Công sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh bảo đảm vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Sở Công thương đã ban hành Kế hoạch số 1600/KH-SCT ngày 11/11/2020 về thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Bên cạnh đó, Sở Tài chính cũng đã ban hành Kế hoạch số 03/KH-STC ngày 13/01/2021 về tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Theo dõi sát tình hình giá cả thị trường để phát hiện ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi, vi phạm trong sản xuất, kinh doanh như: Vận chuyển kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, trốn thuế, kinh doanh không đăng ký kê khai giá theo quy định, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và các hành vi gian lận thương mại khác trong sản xuất kinh doanh. Nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn thị trường, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Qua tổng hợp và đánh giá từ các siêu thị, các địa phương, tình hình thị trường cung cầu hàng hóa trên địa bàn luôn đảm bảo ổn định. Nhìn chung, từ đầu mùa dịch đến nay, việc dự trữ và cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân luôn đảm bảo đầy đủ, hàng hóa đa dạng, không có hiện tượng thiếu hàng. Một số đơn vị kinh doanh đã triển khai thực hiện phương thức bán hàng trực tuyến qua điện thoại, giao hàng tận nhà (góp phần hạn chế tụ tập đông người tại các điểm mua, bán hàng hóa); Đồng thời, gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

2. Công tác bình ổn giá

Nhằm chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá cả thị trường trước, trong và sau Tết, đặc biệt đối với những hàng hóa, dịch vụ đáp ứng trực tiếp nhu cầu tiêu dùng Tết của người dân trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật; thông tin, báo cáo kịp thời tình hình giá cả thị trường những ngày trước, trong và sau Tết nguyên đán cho Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định. Sở Tài chính cũng đã ban hành Quyết định số 15/QĐ-STC ngày 21/01/2021 Về việc thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, thời gian kiểm tra từ ngày 01/02/2021 đến ngày 04/02/2021. Song song đó, nhằm đảm bảo trật tự, an toàn giao thông trong vận tải hành khách và hàng hóa, đủ số lượng phương tiện vận chuyển, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết được thuận lợi và an toàn, tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Sở Tài chính cũng phối hợp tham gia cùng Đoàn kiểm tra của Sở Giao thông vận tải tỉnh tại Quyết định số 89/QĐ-SGTVT ngày 22/01/2021 về việc thành lập Đoàn kiểm tra công tác vận tải và bảo đảm trật tự ATGT trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Tân Sửu năm 2021, thời gian kiểm tra ngày 03/02/2021 và ngày 05/02/2021.

- Chương trình bình ổn trên địa bàn:

Bằng nguồn vốn tự cân đối, hiện nay đã có 07 đơn vị, doanh nghiệp tham gia công tác bình ổn thị trường, với tổng giá trị hàng hóa khoảng 120.196.300.000 đồng, bao gồm:

- Chi nhánh Hậu Giang - Công ty CP dịch vụ thương mại tổng hợp Vincomerce (Siêu thị VinMart Chi nhánh Hậu Giang) trị giá 4.508.000.000 đồng.

- Siêu thị Co.opmart Vị Thanh dự trữ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu (lương thực, thực phẩm các loại) trị giá 6.968.000.000 đồng.

- Siêu thị Co.opmart Ngã Bảy dự trữ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu trị giá 7.070.300.000 đồng.

- Công ty TNHH MTV Xăng dầu Tây Nam Bộ - Chi nhánh xăng dầu Hậu Giang dự trữ xăng dầu 2.750 m3/tháng, trị giá tương đương 41.250.000.000 đồng.

- Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh dự trữ hàng tiêu dùng thiết yếu trị giá 10.000.000.000 đồng.

- Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Hậu Giang cung ứng heo hơi trong tháng Tết trên địa bàn tỉnh khoảng 6.000 con, trị giá tương đương 42.000.000.000 đồng.

- Công ty TNHH CJ VINA AGRI – CN Bình Dương cung ứng heo hơi trong tháng Tết trên địa bàn tỉnh khoảng 1.200 con, trị giá tương đương 8.400.000.000 đồng.

* Riêng đối với thịt heo:

Theo nhu cầu tiêu dùng của người dân, thịt heo chiếm khoảng 65-70% trong bửa ăn hằng ngày. Theo thống kê hàng tháng, tổng nhu cầu tiêu thụ thịt heo trên địa bàn tỉnh khoảng 15.000 - 16.000 con. Đối với những tháng cận Tết nhu cầu tăng lên khoảng 18.000 con.

Hiện tại tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh khoảng 118.000 con (tăng khoảng 48.000 con so với cùng kỳ là 70.000 con). Trong đó, số lượng heo đủ lứa để cung ứng trong những tháng cận Tết khoảng 29.500 con.

Bên cạnh đó, sau khi làm việc với 02 công ty: Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Hậu Giang (có 14 trại nuôi heo trên địa bàn) báo cáo sẽ cung ứng heo hơi trong tháng Tết trên địa bàn tỉnh khoảng 6.000 con, Công ty TNHH CJ VINA AGRI – CN Bình Dương (có 03 trại nuôi heo trên địa bàn) báo cáo sẽ cung ứng heo hơi trong tháng Tết trên địa bàn tỉnh khoảng 1.200 con.

Như vậy, tổng khả năng cung ứng heo hơi trong tháng cận Tết trên địa bàn tỉnh đảm bảo cao hơn nhu cầu tiêu dùng của người dân (36.700 con).

Nhìn chung, về cung - cầu mặt hàng thịt heo trong dịp Tết năm nay đảm bảo ổn định, không thiếu hụt nguồn cung, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

V. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo Chỉ thị

1. Kho bạc nhà nước chi nhánh tỉnh Hậu Giang

Bám sát các Nghị quyết của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính về điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2021. Kho bạc nhà nước Hậu Giang tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi thường xuyên, nhất là các khoản chi như: khánh tiết, hội nghị, hội thảo, đi công tác nước ngoài…; ưu tiên kiểm soát thanh toán nhanh, kịp thời kinh phí cho phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, chi chế độ chính sách người có công,…đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách. Song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng chế độ và trong phạm vi dự toán được giao đối với các khoản chi của ngân sách nhà nước.

Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) đã thực hiện nghiêm các nội dung liên quan đến công tác kiểm soát chi vốn đầu tư, đảm bảo công tác kiểm soát thanh toán vốn đầu tư qua KBNN được kịp thời, đúng quy định. Cung cấp số liệu giải ngân kịp thời cho lãnh đạo địa phương lục vụ công tác quản lý, điều hành NSNN.

2. Cục Thuế tỉnh Hậu Giang

Cục Thuế tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các phòng chuyên môn và Chi cục Thuế các khu vực thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể như sau:

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, việc sử dụng, quản lý, lưu giữ hóa đơn và hồ sơ mua bán hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu, ngăn chặn sử dụng hóa đơn hợp thức hóa hàng nhập lậu.

-  Triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp  phòng chống, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng in, phát hành mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

- Tăng cường công tác quản lý thuế đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bán hàng tiêu dùng để chủ động nắm diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa, kịp thời phát hiện và phối hợp các cơ quan chức năng khác xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt lưu ý đối với các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch COVID-19 cũng như các mặt hàng lương thực, thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp tết như thực phẩm, gia súc, gia cầm, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, hàng điện tử, mỹ phẩm, thời trang cao cấp….Dự báo những vấn đề phát sinh, gây bất ổn thị trường nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

- Kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả liên quan đến công tác quản lý thuế. Phối hợp kiểm tra phát hiện và xử lý các trường hợp vận chuyển hàng hóa trên đường không có hóa đơn, chứng từ hoặc các trường hợp quay vòng hóa đơn.

- Chỉ đạo các phòng chuyên môn và Chi cục Thuế các khu vực rà soát các doanh nghiệp có số thu trên địa bàn, đôn đốc nộp tờ khai đúng theo quy định, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đúng theo quy định. Thực hiện tốt công tác hoàn thuế, bảo đảm đúng đối tượng theo đúng quy định.

3. Chi cục Hải quan Hậu Giang

Tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình, tuần tra, kiểm soát chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu trong dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Xác định địa bàn trọng điểm, tuyến trọng điểm, hàng hóa trọng điểm và dự báo những tình huống vi phạm có thể phát sinh để áp dụng hiệu quả các giải pháp kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Thường xuyên tuần tra, kiểm soát địa bàn quản lý, phạm vi từ vàm Cái Côn - Phú Hữu A - thị trấn Mái Dầm đến vàm Cái Cui - Đông Phú, Châu Thành, Hậu Giang và các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, cụ thể: 01 bến cảng chuyên dùng Quốc tế Lee & Man, 01 bến cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang, Khu công nghiệp Sông Hậu, Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, Cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp thành phố Vị Thanh, Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A,…

Tích cực phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị có liên quan như Cục Hải quan thành phố Cần Thơ, các ban, ngành trên địa bàn quản lý để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Vận động các tổ chức, cá nhân và cán bộ công chức không tham gia tiếp tay, bao che và không làm ngơ cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, nhất là trong dịp cuối năm 2020 và dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021.

Trên đây là Báo cáo tình hình giá cả thị trường tháng 01 năm 2021 và tình hình trước Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 của Sở Tài chính Hậu Giang./.


Đang online: 3
Hôm nay: 1704
Đã truy cập: 1189039